Tuesday, May 20, 2014

Hiểm họa xe đạp điện Trung Quốc

TTO - Xe đạp điện đang là "cú đáp trả" của Trung Quốc trước cuộc đổ bộ ồ ạt của xe hơi "xanh" Toyota Prius từ Nhật Bản với ưu điểm thân thiện với môi trường, chạy khỏe và giá rẻ.
Một vụ tai nạn xe đạp điện ở Trung Quốc - Ảnh: AFP

Liệu xe đạp điện có hoàn toàn lý tưởng như khách hàng thường nghĩ?
Khi tai nạn giao thông đang là "sát thủ" giết người trẻ (15 - 44 tuổi) nguy hiểm nhất Trung Quốc thì xe điện nổi lên như một phương tiện an toàn. Một chiếc xe điện có khả năng chạy 40km/g.
Bloomberg tính toán hiện có khoảng 200 triệu dân Trung Quốc đi xe đạp điện, tăng 1.000 lần so với 15 năm trước. Trong năm 2012, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 90% lượng xe đạp điện trên thế giới, theo Công ty nghiên cứu Navigant Research, và ước tính tới năm 2020, khoảng 249 triệu xe đạp điện khác sẽ được bán tại nước này.
Nhà tư vấn an toàn giao thông đường bộ của Tổ chức Y tế thế giới Brent Powis nhận định: "Loại phương tiện này được cho là giải pháp của các vấn đề giao thông trên toàn cầu và Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm".
Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường đại học Bắc Kinh cùng các tổ chức khác tiến hành từ tháng 10-2010 đến tháng 4-2011 cho thấy xe đạp điện có khả năng "gây tai nạn ở mức cực kỳ cao", có thể vì tốc độ của nó.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng xe đạp điện là nguyên nhân gây ra 57% các vụ tai nạn nghiêm trọng tại một bệnh viện nông thôn ở Tô Châu, 36% trong số đó bị chấn thương sọ não.
Chính phủ không cung cấp số liệu về chi phí hay các chi tiết khác liên quan đến tai nạn xe đạp điện.
Trong báo cáo về số vụ tai nạn giao thông ngày càng tăng được công bố hồi tháng 3-2014, Chủ tịch World Bank Jim Yong Kim cho biết chi phí cho các vụ tai nạn giao thông chiếm từ 1-5% tổng GDP trong các nước đang phát triển.
Nghiên cứu cũng tính toán thời gian nằm viện trung bình của các vụ tai nạn xe đạp điện là 10 ngày, với chi phí khoảng 1.321 USD.
Jonathan Bental, một người dân Israel đang sống tại Bắc Kinh, đã mua xe đạp điện vì nó vừa rẻ vừa nhanh. Nhưng tai nạn bị ôtô tông cách đây 2 năm đã khiến ông bị chấn thương chân. Ông nói nếu được quyết định lại, ông sẽ không mua xe đạp điện.
Xe đạp điện nay được xếp loại nằm giữa xe đạp và xe máy, với bàn đạp được hỗ trợ bởi tay ga hoạt động bằng pin. Giá một chiếc xe đạp điện dao động từ 320-800 USD. Pin có thể tái sạc nhiều lần và tiết kiệm năng lượng, xe đạp điện không dùng xăng và do đó lượng khí thải ít hơn các loại xe máy khác.
Tuy nhiên, xe đạp điện không hề "sạch". WSJ trích dẫn một số nghiên cứu cho biết 95% xe điện của Trung Quốc đều sử dụng pin chì nên nó sẽ thải ra không khí nhiều chì hơn các loại phương tiện khác. Loại xe này cũng phụ thuộc vào nguồn điện mà hầu hết được sản xuất từ các nhà máy đốt than.
Tháng 12-2010, chính quyền Trung Quốc bất ngờ ra lệnh thắt chặt việc sử dụng xe đạp điện dẫn đến nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Doanh số tháng 12 của một trong những nhà sản xuất xe điện lớn nhất nước Luyuan Group theo đó đã giảm 50% so với tháng 10-2010.
Nhà sáng lập Luyuan Ni Jie lập luận rằng: "Các quan chức đã dựa vào số liệu thống kê không chính xác, họ không nghiên cứu một cách khoa học". Cựu giáo sư kinh tế kiêm kỹ sư điện Ni Jie nói xe điện sẽ sớm sử dụng pin lithium để thân thiện với môi trường hơn.
Những hiểm họa có thể gặp phải khi chạy xe đạp điện
1. Lên ga quá nhanh từ trạng thái đang đứng yên
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tai nạn. Hầu hết phản ứng trong trường hợp này là bóp thắng - động tác vô tình khiến tay tiếp tục lên ga và mất kiểm soát.
2. Nổ pin
Đã có nhiều báo cáo về các vụ cháy pin lithium khi đang chạy hoặc khi đang sạc điện. Thỏi pin lithium rất dễ bắt lửa và cần phải thận trọng khi sử dụng. Cách hạn chế tai nạn này là nên dùng một hệ thống quản lý pin bms, không tự chế pin, không sạc quá mức cho phép hoặc để pin cạn kiệt, không làm thủng pin, có thể dùng hộp kim loại bảo vệ để bọc pin lại khi chạy xe.
3. Gây tai nạn với người đi bộ
Không giống như xe máy thường phát ra tiếng động, xe đạp điện dù chạy ở tốc độ cao vẫn rất êm khiến người đi bộ phía trước không biết đằng sau có xe, nên có thể rẽ trái/phải gây bất ngờ cho người chạy xe đạp điện.
CH.LUÂN
 (Theo Bloomberg, WSJ)

Nguồn: Tuổi trẻ Online.

Xe đạp điện Trung Quốc, thảm họa mới của giao thông Việt (Phần 2)

Bất an về chất lượng 

Thông thường nếu may mắn, người dùng sẽ không gặp nhiều vấn đề về chất lượng trong vòng 1 năm đầu sử dụng xe đạp điện. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, chất lượng ắc quy cũng như khả năng vận hành của không ít loại xe đạp điện xuống cấp một cách thậm tệ sau 1 năm sử dụng, đúng thời điểm hạn bảo hành kết thúc. 

Lúc này, người dùng chỉ còn cách “vứt xó” chiếc xe hoặc chấp nhận sửa, thay pin với chi phí bằng hoặc hơn 1/2 giá xe mới.

Xe đạp điện Trung Quốc, thảm họa mới của giao thông Việt
Xe đạp điện có thật sự tiết kiệm chi phí như quảng cáo của nhiều nhà phân phối? 


Chị M. ở Hà Đông, Hà Nội cho biết thấy các bà hàng xóm sắm xe điện, chị cũng bỏ ra gần 10 triệu đồng mua để đi cho đỡ tiền xăng nhưng chưa đầy 2 năm sau khi mua chị phải “bỏ của chạy lấy người” vì ắc quy hỏng, xe nay ốm mai sự cố. 

“Lúc mới mua, tôi đi khoảng 2-3 ngày (tương đương với 30-35 km) mới phải sạc pin một lần và xe dùng cũng tạm ổn. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, số km đi được sau mỗi lần nạp nhiên liệu ngày càng giảm và hết 1 năm bảo hành, xe chỉ còn đi được 10-15 km/lần sạc. Không chỉ thế, đến còi, đèn có vấn đề và giờ ắc quy đã hỏng mà tổng chi phí sửa là gần 7 triệu đồng!”

Ngoài việc nhanh xuống cấp về chất lượng, xe đạp điện còn có khá nhiều bệnh trong mùa mưa hay mùa nồm ẩm vì ắc quy bị dính nước.

Xem clip Thu giữ một lượng lớn xe đạp điện không rõ nguồn gốc:


Vì thế, nhiều người từng “mê mẩn” dòng xe này vì độ tiện dụng và có vẻ tiết kiệm vì không tốn tiền xăng đã phải thất vọng. 


“Lúc đầu, tôi cứ nghĩ đi xe này tiết kiệm nhưng sau khi mất hơn 10 triệu đồng để mua xe tôi lại phải chi hơn 5 triệu đồng để sửa ắc quy chỉ vì một lần bị dính ngập nước. Giờ đây, sau chưa đầy 1 năm dùng, bộ ắc quy thứ 2 cũng bắt đầu bị chai, phải sạc điện suốt ngày. Tôi thực sự thấy nản vì chẳng dùng được mấy mà lại tốn, chưa kể cứ trời mưa là chẳng không dám đi xe.” chị Vân Anh, một cựu tín đồ của xe điện than thở về chiếc xe đạp điện khá bắt mắt của mình.

Và nỗi lo về an toàn giao thông

Không cần tới các khảo sát hay nghiên cứu, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự gia tăng của số lượng xe đạp điện trên đường phố, đặc biệt là ở các khu vực có trường học cấp 2,3 hay các khu trung tâm thương mại. 

Giữa lúc phố xá đông đúc, việc một số thanh thiếu niên học sinh điều khiển xe đạp điện phóng vèo qua, lượn lách với tốc độ khá cao mà không sử dụng mũ bảo hiểm trở nên phổ biến. 

Không ít tai nạn đã xảy ra bởi loại phương tiện này có thể đạt tốc độ 40-50 km/h mà không phát ra nhiều âm thanh để những người đang lưu thông trên đường biết sớm. 

Do phụ huynh lơ là hoặc chiều con nên nhiều học sinh sử dụng dòng xe này từ rất sớm, có khi từ lúc mới học lớp 5, lớp 6 càng khiến nguy cơ tai nạn tăng cao. 

Bên cạnh đó, việc quản lý và xử lý các vụ vi phạm luật an toàn giao thông của những người sử dụng xe đạp điện còn yếu do thiếu chế tài. Những yếu tố này làm không ít chuyên gia phải lo lắng về nguy cơ xe đạp điện đang và sẽ trở thành một “thảm họa giao thông” tại Việt Nam.

Nguồn: VTC

Xe đạp điện Trung Quốc, thảm họa mới của giao thông Việt (Phần 1)

(VTC News) – Lộn xộn từ nguồn gốc, chất lượng tới sử dụng, xe đạp điện Trung Quốc được cho là sẽ trở thành thảm họa mới cho nền giao thông Việt Nam. 

Nhập nhèm nguồn gốc

Từ vài năm trở lại đây, lượng xe đạp điện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng… tăng khá mạnh. Có những thời điểm mặt hàng này trở nên cháy hàng khi mà nhiều học sinh, người lớn tuổi hay các bà nội trợ đua nhau sắm xe đạp điện để đi lại.

Những lời quảng bá cực hấp dẫn về cái gọi là chi phí siêu thấp (chỉ vài chục đồng/km) khi sử dụng mà những người bán hàng vẽ ra khi chào mời khách mua xe đạp điện khiến nhiều người “mê mẩn” và dễ dàng bỏ qua những nghi vấn về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

Xe đạp điện Trung Quốc, thảm họa mới của giao thông Việt
Hiểm họa mới cho nền giao thông Việt Nam

Thực tế khảo sát cho thấy phần lớn các loại xe đạp điện đang bán trên thị trường đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và một con số không hề nhỏ trong đó là hàng nhái mượn tên của các thương hiệu nổi tiếng như Honda, Yamaha. Những loại xe này thường có giá từ 7 triệu đồng đến 13-14 triệu đồng cùng lời hứa bảo hành 1 năm của người bán hàng.

Nếu thời gian trước, các cửa hàng phân phối mặt hàng này chỉ tập trung ở một số khu phố như Bà Triệu, Tây Sơn, Tôn Đức Thắng thì nay sản phẩm này có mặt rải rác ở hầu hết các khu phố lớn tại Hà Nội.

Anh V. một người đã chuyển nghề sau 4-5 năm kinh doanh mặt hàng này cho biết tới hơn 90% xe đạp điện trên thị trường là do Trung Quốc sản xuất và không ít trong số đó được nhập lậu vào Việt Nam với giá chỉ 2-3 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, khi được bán ra thị trường, giá xe thực tế đội lên hơn 10 triệu đồng mà việc bảo hành lại “được chăng hay chớ”.

“Lúc đầu việc kinh doanh cũng thuận lợi, lãi lớn nhưng sau nhu cầu mua của khách hàng giảm mạnh mà cạnh tranh lại ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, sau một thời gian sử dụng, xe hỏng hóc nhiều khách hàng tới phàn nàn suốt nên việc làm ăn càng thêm khó. Nguồn cung phụ tùng để thay thế không ổn định nên sau một thời gian tôi quyết định nghỉ” anh V chia sẻ.
Trên thị trường hiện nay, xe đạp điện thường chia thành hai kiểu thiết kế, một nhắm tới các khách hàng học sinh, sinh viên và một nhắm tới những người lớn tuổi và các bà nội trợ.

Với khách hàng học sinh, sinh viên, giới kinh doanh thường chào bán các mẫu xe thiết kế trẻ, màu sắc lòe loẹt và không quá đắt từ 7 đến 10-11 triệu đồng. Với những người lớn tuổi, các dòng xe hay được lựa chọn có thiết kế ít màu mè và có giá cao hơn.

Một cửa hàng bán xe đạp điện thường phân phối cùng lúc nhiều loại xe nhưng dòng xe nào cũng được quảng bá là “hàng chính hãng từ đại lý chính hiệu”.

Khá nhiều người bán hàng “nói nhỏ” với chúng tôi về việc dòng xe này, dòng xe kia là hàng Tàu nên giá rẻ và tư vấn nên mua sản phẩm khác giá cao hơn nhưng “chính hãng hơn” dù cũng là hàng “made in China”.

Bên cạnh xe đạp điện Trung Quốc, có một lượng xe đạp điện sản xuất tại Việt Nam nhưng những sản phẩm này khó “sống” với xe nhập từ Trung Quốc vì kém bắt mắt và ít cạnh tranh về giá hơn. 

Friday, November 15, 2013

Tôi đi mua xe đạp điện (e-bike) như thế nào? - Phần #2

(Tiếp từ phần #1)

Quá trình mua hàng của tôi cũng giống như nhiều người trong thời đại mọi thứ nối mạng hiện nay, thông qua những bước như sau:
  1. Lên mạng Google các từ khóa về xe đạp điện xem nó có những loại nào, những nhãn hiệu nào thông dụng.
  2. Vào một số diễn đàn uy tin và lớn để đọc thêm thông tin, chọn lọc các thông tin từ người dùng và lọc các thông tin, quảng cáo tung hứng từ các đơn vị bán hàng. Nếu có điều kiện thì có thể hỏi những người đã sử dụng tư vấn thêm. Đọc thêm thông tin từ website của hãng hoặc đơn vị bán trực tiếp.
  3. Ra một số cửa hàng để xem trực tiếp, quan trọng nữa là hỏi người bán về những nội dung mà mình quan tâm.
  4. Có thông tin rồi thì việc quyết định sẽ dễ dàng hơn nhiều
  5. Lại Gúc xem giá model mình quan tâm ở đâu bán rẻ nhất, tuy nhiên chất lượng sản phẩm, uy tín đơn vị bán và việc bảo hành sản phẩm cũng rất quan trọng nên có thể giá không hải là điều kiện quan trọng nhất.


Tranh thủ đợt bão Hải Yến, tôi đi ra hàng xe đạp điện gần nhà để xem thực tế xe đồng thời cũng muốn hỏi người bán luôn về sản phẩm.

(Còn tiếp)

Tuesday, November 12, 2013

Tôi đi mua xe đạp điện (e-bike) như thế nào? - Phần #1

(E-Bike News) Trong loạt bài viết này, tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm của mình trong quá trình tìm và mua xe đạp điện cho con gái. Các thông tin tôi có được trong quá trình tìm kiếm xe được thu thập từ trên Internet và qua trao đổi với những người bán hàng nên chỉ có ý nghĩa tham khảo. Hy vọng sẽ giúp được phần nào cho những người cũng đi tìm mua xe giống tôi.

Mục đích:

Con gái tôi năm nay học năm cuối cấp 3 nên phải đi học chính thức và đi học thêm nhiều. Nếu để cháu tự đạp xe đi học thì sẽ rất mệt và tốn nhiều thời gian, mà ngày nào cũng đưa đón cháu đi học thì chúng tôi không có điều kiện. Chính vì vậy giải pháp mua cho cháu một chiếc xe đạp điện sẽ là giải pháp tối ưu trong thời kỳ này vì nó không quá đắt, không đòi hỏi phải có giấy phép lái xe, không cần phải có giấy đăng ký hay đăng kiểm. Quá trình sử dụng cũng khá thuận tiện vì chỉ cần hai đến ba ngày xạc điện một lần. Vì vậy quá trình tìm kiếm một chiếc xe đạp phù hợp bắt đầu.

Tiêu chí:

Nếu là mua một sản phẩm điện tử, điện máy thông thường thì sẽ không cần băn khoăn quá nhiều, tuy nhiên đây là phương tiện cho con đi lại hàng ngày mà lại ít được kiểm chứng về chất lượng, nên chúng tôi dành chút thời gian để tìm hiểu và sau đó phác thảo ra một vài tiêu chí cơ bản để việc lựa chọn hiệu quả hơn.

Sau khi tìm thông tin trên Internet. xem vài bài trên mấy diễn đàn quen thuộc, tôi cũng đã có được vài thông tin sơ bộ về chiếc xe đạp điện.

Google với từ khóa "kinh nghiệm mua xe đạp điện" ra rất nhiều bài viết, nhưng phần lớn là các bài báo của một vài đại lý nhập khẩu hoặc hai ba đơn vị mua đồ TQ về dán thương hiệu riêng của mình thuê báo viết bài để PR dưới dạng hướng dẫn mua sắm. Dù sao thì đọc tham khảo cũng tạm được để giúp chúng ta có thêm thông tin.

Trên một số diễn đàn như OF hay WTT cũng có một số bài viết trả lời các câu hỏi về việc nhờ hướng dẫn mua xe, tuy nhiên không có bài viết nào có đủ thông tin mà chủ yếu chỉ là các đoạn thông tin ngắn, không đầy đủ và không giúp đưa ra quyết định nhanh.

Thôi thì tự mình đưa ra tiêu chí trước để giúp khoanh lại khu vực tìm kiếm:
  • Ngân sách: 
    • Khoảng 15M trở lại, chắc chỉ dùng khoảng 1-2 năm tới khi bạn lớn đủ tuổi thi bằng lái xe máy thì xe này sẽ lại sang tên cho bạn nhỏ hơn nên không cần dùng loại đắt tiền. Loại đắt tiền hơn thường là xe máy điện chứ không còn là xe đạp điện nên không phù hợp.
  • Độ bền: 
    • Xe cần đi được dưới trời mưa (đương nhiên không đi được khi nước ngập) nhưng trời mưa nhỏ thì phải đi được, cũng cần phải rửa được xe mà không quá lo chập cháy.
    • Với xe đạp điện thì chắc mối quan tâm đầu tiên là độ bền của ắc quy (hoặc pin). Đây là thành phần dễ bị chai, bị hỏng trong chiếc xe. Vả lại giá của pin hoặc ắc quy thay thế cũng khá đắt so với tổng giá trị của xe đạp điện.
    • Phần động cơ, bộ điều tốc và phần linh kiện điện tử cũng cần quan tâm, nhưng có lẽ phần này ít lo hơn phần trên
    • Khung sườn xe có lẽ không đáng ngại vì thường được quảng cáo là bảo hành 3 năm. 
  • Tính an toàn:
    • Xe này đi nhanh như xe máy mà hệ thống phanh lại chỉ như xe đạp nên vấn đề phanh chắc được đặt lên hàng đầu.
    • Xe cũng cần có luôn khóa chống trộm, chống tháo ắc quy (hoặc pin)
  • Hiệu quả:
    • Khoảng cách đi xa nhất cho một lần xạc điện. Đây chính là số km đi được khi đã xạc đầy.
    • Tốc độ đi nhanh nhất: Phần này không quá quan trọng vì đi nhanh quá (trên 30km/h) sẽ nguy hiểm, tuy nhiên xe chỉ được thiết kế đi được tầm 20km/h trở xuống thì sẽ là quá chậm.
    • Ắc quy (hoặc pin) cần có thông số kỹ thuật tối thiểu là 36v (3 pin/ắc quy loại 12v) hoặc 48v (4 x 12v). Thông số về Ah càng cao càng tốt, thường sẽ có 10Ah tới 15Ah. Lý do vì Vol nhân với Ah sẽ thành WH (watt hour) và WH này càng cao thì quãng đường đi được càng xa vì trung bình đi một dặm (khoảng 1,6km) thì sẽ cần 20WH, như vậy nếu pin 36v, 10Ah sẽ cho chúng ta 360WH và tương đương với khoảng 18 dặm và bằng khoảng 29km.
(Còn tiếp)

Sản lượng xe đạp trên thế giới và tiềm năng của thị trường Việt Nam

(E-Bike News) Phân tích qua số liệu thống kê về lượng xe đạp cả loại truyền thống và xe đạp điện trên toàn cầu, chúng ta có thể thấy thị trường Việt Nam với số dân 90 triệu người có tiềm năng rất lớn.



Ở Việt Nam chúng ta thường quan niệm xe hơi sẽ dần thay thế xe máy, còn xe máy thay thế xe đạp. Chính vì vậy người đi xe đạp ở Việt Nam bây giờ chia thành 2 trường phái khá rõ ràng, thường là người rất nghèo không có điều kiện mua phương tiện giao thông tốt và thuận tiện hơn, hoặc là tầm trung lưu trở lên dùng xe đạp trung và cao cấp như một phương tiện đi lại giúp tăng cường sức khỏe và giúp bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lượng xe đạp điện (e-bike) được nhập về Việt Nam đã tăng trưởng khá mạnh, do sản phẩm này tương đối phù hợp với đối tượng học sinh trung học phổ thông và trung học cơ sở. Với giá xe khoảng 10 triệu đồng, các gia đình có con đang đi học nhưng chưa tới tuổi thi lấy bằng lái xe máy, đã có thể trang bị cho con phương tiện đi lại khá thuận tiện mà lại không gặp các vấn đề pháp lý, vì tới thời điểm hiện tại xe đạp chưa phải đăng kiểm, đăng ký và cũng không cần có giấy phép lái xe. Thông tư mới của Bộ Giao thông Vận tải sẽ chính thức áp dụng từ đầu năm 2014 và cũng bắt buộc với các xe mới nhập hoặc sản xuất.

Chúng ta thử sử dụng các con số thống kê của thế giới để xem lượng sản xuất và tiêu thụ xe đạp toàn cầu như thế nào.

Sản lượng xe đạp so với sản lượng xe hơi


Nhìn vào biểu đồ so sánh sản lượng của xe hơi và của xe đạp, chúng ta có thể thấy vào khoảng năm 1965 sản lượng xe đạp và xe hơi được sản xuất tương đương nhau, mỗi loại vào khoảng 20 triệu chiếc. Tuy nhiên vào năm 2003 lượng xe đạp đã đạt tới con số trên 100 triệu chiếc được xuất xưởng so với 42 triệu chiếc xe hơi. Trong năm 2004 đã có tổng cộng 105 triệu chiếc xe đạp được sản xuất, tăng trưởng 1,5% so với năm 2003.

Quốc gia nào sản xuất nhiều xe đạp nhất thế giới?


Trung Quốc

Mặc dù xe đạp được sản xuất ở khoảng hơn chục quốc gia, nhưng top 5 gồm có Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực EU, Đài Loan và Nhật Bản, nhóm này chiếm 87% tổng sản lượng toàn cầu. Riêng Trung Quốc đã sản xuất 58% tổng lượng xe đạp toàn thế giới năm 2004. Năm tiếp theo đó, 2005, nước này đã đạt kỷ lục tăng trưởng 16% cả lượng xe đạp truyền thống và xe đạp điện (e-bike) lên con số 80,43 triệu chiếc mà trong đó 65% là để xuất khẩu. Trung Quốc sản xuất trên 60% lượng xe đạp toàn cầu. 86% lượng xe đạp bán tại thị trường Mỹ là được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên ngay tại quốc gia này, lượng xe đạp đang được sử dụng giảm nhanh chóng, xuống chỉ còn 20% so với tổng số lượng phương tiện giao thông, so với con số 33% của năm 1995. Tại Bắc Kinh, vào năm 2002 chỉ có 20% người dân thành thị đi xe đạp so với 60% của năm 1998. 

Tới thời điểm này (ngày 12/11/2013) số xe đạp các loại được sản xuất trên thế giới trong năm đã đạt 120,46 triệu chiếc.

Có bao nhiêu chiếc xe đạp trên toàn cầu?


Người ta ước tính có khoảng trên 1 tỷ chiếc xe đạp trên thế giới mà khoảng 1 nửa số đó là ở Trung Quốc. Bên dưới đây là bảng các quốc gia có số lượng xe đạp nhiều nhất.

Quốc giaSố lượng
Năm
China
450,000,000
1992
USA
100,000,000
1995
Japan
72,540,000
1996
Germany
62,000,000
1996
India
30,800,000
1990
Indonesia
22,300,000
1982
Italy
23,000,000
1995
UK
20,000,000
1995
France
20,000,000
1995
Brazil
40,000,000
1996
Netherlands
16,500,000
2000
Canada
10,150,000
1992
Spain
6,950,000
1995
Sweden
6,000,000
1995
South Korea
6,500,000
1985
Mexico
6,000,000
1986
Belgium
5,200,000
1995
Rumania
5,000,000
1995
Denmark
4,500,000
1995
Switzerland
3,800,000
1996
Hungary
3,500,000
1995
Australia
3,300,000
1995
Finland
3,250,000
1995
Norway
3,000,000
1995

Theo thống kê của Hiệp hội Xe đạp Trung Quốc (China Bicycle Association - CBA), năm ngoái đã có tổng cộng 82,7 triệu chiếc xe đạp được sản xuất, giảm 0,8% so với năm trước. Mặc dù vậy tổng giá trị tăng 9,4% và lợi nhuận tăng 41,3%.

Hiệp hội Xe đạp Trung Quốc (CBA) cũng cho biết mỗi năm sản lượng xe đạp điện của Trung Quốc đạt 30 triệu chiếc, trong đó gần 30% được dành cho xuất khẩu. Việc mở rộng thịt rường ra quốc tế được coi là một nhiệm vụ quan trọng của CBA, mà Việt Nam là thị trường tiềm năng.
Theo ước tính, chỉ riêng năm 2013, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 150.000 chiếc xe đạp điện và phần lớn số xe này có xuất xứ từ Trung Quốc. Không chỉ xe nhập khẩu nguyên chiếc mà ngay cả với xe lắp ráp trong nước, phần lớn linh kiện cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với số dân 90 triệu, trong đó có khoảng gần 9 triệu người trong độ tuổi 15-24  và 11,5 triệu người trên 50 tuổi, đây là nhóm khách hàng tiềm năng sử dụng xe đạp điện, nhất là với những người dưới 20 tuổi hoặc trên 60 tuổi.
Tiềm năng thị trường còn nhiều, tuy nhiên tới thời điểm hiện tại chưa thấy có hãng nước ngoài nào thực sự quan tâm tới phát triển thị trường và chiếm thị phần. Hiện tại việc nhập và kinh doanh cũng như bảo hành bảo trì xe đạp điện đang được thực hiện bởi các đơn vị nhập khẩu và bán lẻ.
Các hãng có nhiều xe đang được bán trên thị trường (có thể trong đó nhiều sản phẩm nhái nhãn hiệu) như Bridgestone, Honda, Yamaha hay Giant đều không phân phối chính hãng sản phẩm, không có trung tâm bảo hành chính thức của hãng. Các sản phẩm này đều do các đại lý nhập khẩu về, mà theo các phương tiện thông tin đại chúng và từ các cơ quan nhà nước thì nhiều sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng và không được nhập chính ngạch.
Bridgestone hiện tại chỉ phân phối lốp xe, Honda chỉ bán xe hơi và xe máy, Yamaha thì chỉ tập trung vào xe máy còn Giant thì chưa có văn phòng hay công ty ở Việt Nam.

GiaoThong
theo worldometers.info và gso.gov.vn 

Sử dụng phần mềm mô phỏng để tính toán quãng đường đi cho một lần xạc điện của xe đạp điện

(E-Bike News) Trong quá trình đi tìm mua xe đạp điện, một trong những nội dung tôi băn khoăn nhất là liệu chiếc xe này sẽ đi được bao nhiêu km cho một lần xạc điện, và tốc độ thế nào sẽ là tối ưu. Theo như quảng cáo của các đơn vị nhập khẩu và bán lẻ thì thông tin mỗi nơi một khác, thậm chí việc tìm được thông tin chính thức từ các nhà sản xuất trở nên bất khả thi do phần lớn các hãng không phân phối chính thức sản phẩm tại Việt Nam.

Ngoài ra, do thị trường Việt Nam chưa áp dụng chính thức Quy chuẩn kỹ thuật về xe đạp điện (bắt đầu chính thức từ tháng 01/2013), cho nên người sử dụng sẽ phải tự tìm hiểu dựa trên các thông số mà các đơn vị bán hàng đang quảng cáo. 

Có hai phần mềm miễn phí trên mạng có thể sử dụng, tuy nhiên người dùng cần biết chút ít về kỹ thuật để có thể sử dụng.

Đó là Electric Bike SimulationCalculator của trang Electric Bicycle Guide.


Electric bike range simulation

Khi vào trang Electric Bike Simulation thì màn hình phía dưới sẽ hiện ra để chúng ta nhập vào các thông số kỹ thuật và sau đó di thanh trượt để mô phỏng chức năng ga của xe. Hệ thống sẽ căn cứ vào các tham số kỹ thuật mà chúng ta đã nhập để tính tốc độ hiện thời, năng lượng tiêu thụ, dự kiến quãng đường sẽ đi được cho tới khi hết pin.



GiaoThong