Tuesday, November 12, 2013

Tôi đi mua xe đạp điện (e-bike) như thế nào? - Phần #1

(E-Bike News) Trong loạt bài viết này, tôi sẽ chia sẻ các kinh nghiệm của mình trong quá trình tìm và mua xe đạp điện cho con gái. Các thông tin tôi có được trong quá trình tìm kiếm xe được thu thập từ trên Internet và qua trao đổi với những người bán hàng nên chỉ có ý nghĩa tham khảo. Hy vọng sẽ giúp được phần nào cho những người cũng đi tìm mua xe giống tôi.

Mục đích:

Con gái tôi năm nay học năm cuối cấp 3 nên phải đi học chính thức và đi học thêm nhiều. Nếu để cháu tự đạp xe đi học thì sẽ rất mệt và tốn nhiều thời gian, mà ngày nào cũng đưa đón cháu đi học thì chúng tôi không có điều kiện. Chính vì vậy giải pháp mua cho cháu một chiếc xe đạp điện sẽ là giải pháp tối ưu trong thời kỳ này vì nó không quá đắt, không đòi hỏi phải có giấy phép lái xe, không cần phải có giấy đăng ký hay đăng kiểm. Quá trình sử dụng cũng khá thuận tiện vì chỉ cần hai đến ba ngày xạc điện một lần. Vì vậy quá trình tìm kiếm một chiếc xe đạp phù hợp bắt đầu.

Tiêu chí:

Nếu là mua một sản phẩm điện tử, điện máy thông thường thì sẽ không cần băn khoăn quá nhiều, tuy nhiên đây là phương tiện cho con đi lại hàng ngày mà lại ít được kiểm chứng về chất lượng, nên chúng tôi dành chút thời gian để tìm hiểu và sau đó phác thảo ra một vài tiêu chí cơ bản để việc lựa chọn hiệu quả hơn.

Sau khi tìm thông tin trên Internet. xem vài bài trên mấy diễn đàn quen thuộc, tôi cũng đã có được vài thông tin sơ bộ về chiếc xe đạp điện.

Google với từ khóa "kinh nghiệm mua xe đạp điện" ra rất nhiều bài viết, nhưng phần lớn là các bài báo của một vài đại lý nhập khẩu hoặc hai ba đơn vị mua đồ TQ về dán thương hiệu riêng của mình thuê báo viết bài để PR dưới dạng hướng dẫn mua sắm. Dù sao thì đọc tham khảo cũng tạm được để giúp chúng ta có thêm thông tin.

Trên một số diễn đàn như OF hay WTT cũng có một số bài viết trả lời các câu hỏi về việc nhờ hướng dẫn mua xe, tuy nhiên không có bài viết nào có đủ thông tin mà chủ yếu chỉ là các đoạn thông tin ngắn, không đầy đủ và không giúp đưa ra quyết định nhanh.

Thôi thì tự mình đưa ra tiêu chí trước để giúp khoanh lại khu vực tìm kiếm:
  • Ngân sách: 
    • Khoảng 15M trở lại, chắc chỉ dùng khoảng 1-2 năm tới khi bạn lớn đủ tuổi thi bằng lái xe máy thì xe này sẽ lại sang tên cho bạn nhỏ hơn nên không cần dùng loại đắt tiền. Loại đắt tiền hơn thường là xe máy điện chứ không còn là xe đạp điện nên không phù hợp.
  • Độ bền: 
    • Xe cần đi được dưới trời mưa (đương nhiên không đi được khi nước ngập) nhưng trời mưa nhỏ thì phải đi được, cũng cần phải rửa được xe mà không quá lo chập cháy.
    • Với xe đạp điện thì chắc mối quan tâm đầu tiên là độ bền của ắc quy (hoặc pin). Đây là thành phần dễ bị chai, bị hỏng trong chiếc xe. Vả lại giá của pin hoặc ắc quy thay thế cũng khá đắt so với tổng giá trị của xe đạp điện.
    • Phần động cơ, bộ điều tốc và phần linh kiện điện tử cũng cần quan tâm, nhưng có lẽ phần này ít lo hơn phần trên
    • Khung sườn xe có lẽ không đáng ngại vì thường được quảng cáo là bảo hành 3 năm. 
  • Tính an toàn:
    • Xe này đi nhanh như xe máy mà hệ thống phanh lại chỉ như xe đạp nên vấn đề phanh chắc được đặt lên hàng đầu.
    • Xe cũng cần có luôn khóa chống trộm, chống tháo ắc quy (hoặc pin)
  • Hiệu quả:
    • Khoảng cách đi xa nhất cho một lần xạc điện. Đây chính là số km đi được khi đã xạc đầy.
    • Tốc độ đi nhanh nhất: Phần này không quá quan trọng vì đi nhanh quá (trên 30km/h) sẽ nguy hiểm, tuy nhiên xe chỉ được thiết kế đi được tầm 20km/h trở xuống thì sẽ là quá chậm.
    • Ắc quy (hoặc pin) cần có thông số kỹ thuật tối thiểu là 36v (3 pin/ắc quy loại 12v) hoặc 48v (4 x 12v). Thông số về Ah càng cao càng tốt, thường sẽ có 10Ah tới 15Ah. Lý do vì Vol nhân với Ah sẽ thành WH (watt hour) và WH này càng cao thì quãng đường đi được càng xa vì trung bình đi một dặm (khoảng 1,6km) thì sẽ cần 20WH, như vậy nếu pin 36v, 10Ah sẽ cho chúng ta 360WH và tương đương với khoảng 18 dặm và bằng khoảng 29km.
(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment